Trong Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24-12-1996 của Ban Chấp hành Trung ương “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, Đảng ta xác định, “cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.”
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” với 5 quan điểm, 5 nhóm mục tiêu cụ thể đến 2030 và 7 nhóm giải pháp. Nghị quyết xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.
Vai trò chiến lược của KHCN & ĐMST
Đề cập về vai trò chiến lược của Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tại, tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định KHCN là đột phá quan trọng hàng đầu. Bây giờ, chúng ta đang tiếp tục khẳng định vai trò của KHCN và ĐMST, CĐS cho giai đoạn tới; lấy KHCN là động lực chính để phát triển đất nước, phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, đồng chí Phạm Đại Dương cho rằng: “Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nền tảng quan trọng để quản trị quốc gia.
Thật vậy, để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sử dụng khoa học công nghệ là điều tất yếu và vô cùng cần thiết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc "cách mạng" về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Những thách thức và xu hướng lớn
Tại cuộc gặp Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ sẽ gánh trách nhiệm nặng nề trong quá trình chuyển đổi trên, Phó Thủ tướng nêu rõ 6 thách thức mà KHCN và ĐMST sẽ phải đối mặt bao gồm:
(i) Khoảng cách lớn về trình độ phát triển KHCN với các nước phát triển;
(ii) Nhận thức về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đầy đủ;
(iii) Hành lang pháp lý chưa đồng bộ; còn tồn tại một số "điểm nghẽn" kìm chế sự phát triển của lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS;
(iv) Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt những bước đột phá chiến lược; khả năng ứng dụng thực tiễn còn hạn chế;
(v) Nguồn nhân lực về KHCN, đặc biệt là các nhà khoa học dẫn dắt còn thiếu hụt nghiêm trọng;
(vi) Nguồn lực đầu tư cho các sở nghiên cứu khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm, hạ tầng số chưa đồng bộ.
Ngoài ra, 5 xu hướng được cho là có tác động mạnh mẽ tới KHCN và ĐMST, cụ thể:
(i) Dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực KHCN, ĐMST ngày càng gia tăng, bao gồm vốn đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân;
(ii) AI và AI tạo sinh phát triển ngày càng nhanh và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế;
(iii) Hoạt động KHCN, ĐMST ngày càng phát triển dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các viện, trường, các tập đoàn lớn, các start up...và chịu tác động ngày càng lớn từ các yếu tố địa chính trị;
(iv) Cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực cho phát triển lĩnh vực KHCN, ĐSMT, gồm: Nguồn nhân chất lượng cao, dữ liệu và năng lực tính toán...;
(v) Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách và thúc đẩy hợp tác công-tư với tham vọng dẫn dắt lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, AI...
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 về KHCN và ĐMST
Về chuyển đổi số, Bộ đang xây dựng Chương trình chuyển đổi AI quốc gia để ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2025. Đồng thời, triển khai hạ tầng 5G với mục tiêu tăng tốc gấp đôi, phủ sóng 5G toàn quốc bằng vệ tinh tầm thấp trong tháng 12/2025; các bộ, ngành địa phương phải có trung tâm điều hành thông minh.
Về dịch vụ công, phấn đấu tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
Về kinh tế số, Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã (dự kiến tháng 4/2025); xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng nền tảng số dùng chung ngành, lĩnh vực; phân bổ voucher cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện chuyển đổi số.
Về xã hội số, hướng tới mỗi người dân và công chức viên chức có 1 trợ lý ảo.
Về lĩnh vực công nghệ số, Bộ tập trung hoàn thành danh mục công nghệ chiến lược; chương trình phát triển công nghệ chiến lược; công nghiệp chiến lược. Cùng với đó là ban hành Đề án Quốc gia khởi nghiệp với tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân; sử dụng hiệu quả Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF); xây dựng và triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm;…
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ đang tích cực xây dựng hạ tầng khoa học công nghệ dùng chung; tái cấu trúc các chương trình khoa học công nghệ quốc gia; ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Tác giả: Hải Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn