Đại hội Đảng

Cơ hội mới cho kinh tế tư nhân: Bước tiến từ Đề án phát triển

Thứ năm - 03/04/2025 00:19
Tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án để chuẩn bị trình Bộ Chính trị diễn ra chiều ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định kinh tế tư nhân đang là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP, việc làm và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định kinh tế tư nhân đang là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP, việc làm và đổi mới sáng tạo. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ khẳng định kinh tế tư nhân đang là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP, việc làm và đổi mới sáng tạo. Ảnh: VGP

Cho rằng khu vực kinh tế này là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa", có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp quan trọng vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước). 

Để đạt được mục tiêu kể trên, đầu tư cơ sở, nguồn lực cho kinh tế tư nhân là điều cấp thiết cần triển khai nhanh chóng. 

Thực trạng kinh tế tư nhân tại Việt Nam

Về thành tựu, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Cụ thể có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, gồm khoảng 940.000 doanh nghiệp và trên 5,2 triệu hộ kinh doanh. 

Tầm nhìn tới năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp. 

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh mới, "chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà còn phải tăng trưởng xanh, bền vững", dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ bên ngoài, đòi hỏi huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Nhìn lại lịch sử, kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng từ thời kỳ chống thực dân Pháp với những doanh nhân tiêu biểu như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô. Từ năm 1964, nền kinh tế thị trường hình thành ở miền Nam. Tuy nhiên, sau thống nhất đất nước, mô hình kế hoạch hóa tập trung đã làm suy yếu kinh tế tư nhân.

Với tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật", Đại hội Đảng VI đưa ra chủ trương đổi mới, công nhận vai trò kinh tế tư nhân. Đại hội XI khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế". Hiến pháp 2013 bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII tiếp tục nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan" để giải phóng sức sản xuất và tối ưu hóa nguồn lực.

Ảnh minh họa. Ảnh: Tuyengiao.vn

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, trong đó theo Tổng Bí thư, vấn đề nan giải hàng đầu là việc các doanh nghiệp vẫn còn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn". 

Đối với thách thức từ bên trong, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao.

Đối với thách thức từ bên ngoài, doanh nghiệp tư nhân đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài, bao gồm hệ thống pháp luật chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại và thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản đôi khi bị xâm phạm do lạm quyền hoặc quản lý yếu kém. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự công bằng, khi doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài thường nhận được ưu đãi hơn, đặc biệt trong tiếp cận đất đai, vốn và tín dụng. Ngoài ra, tình trạng nhũng nhiễu và chi phí không chính thức tiếp tục tồn tại, tạo gánh nặng vô hình, làm giảm hiệu quả kinh doanh và khiến doanh nghiệp tư nhân e ngại mở rộng đầu tư.

Cơ sở xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đã xác định mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.” Để hướng tới đạt được mục tiêu này, việc đổi mới nhận thức, tư duy mới, giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân là điều cấp thiết.

Hưởng ứng quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm khi coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, đây là Đề án có nội dung khó, phạm vi rộng, đối tượng nghiên cứu nhiều, ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ liên quan toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân mà còn liên quan các cấp, các ngành, các địa phương, sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục quán triệt, kế thừa các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, giải pháp trong các nghị quyết của Đảng, các bài viết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có liên quan về kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Nhà nước chuyển từ "giải quyết khó khăn" sang "chủ động thúc đẩy" kinh tế tư nhân phát triển. Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình cấp có thẩm quyền, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. 

Mục tiêu của luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, thông thoáng; Xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để kinh tế tư nhân phát triển; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong dân.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp 

Về phạm vi của Đề án, thời gian thực hiện tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045, không gian khu vực kinh tế tư nhân bao gồm cả tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần nhấn mạnh thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, tạo thống nhất cao, nhận thức đúng tầm, khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế với tinh thần thể chế phải thông thoáng, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, không gây phiền hà, gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian, chi phí tuân thủ; đặc biệt là bảo đảm việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng nhất có thể với thời gian quy định cụ thể (ví dụ bao nhiêu ngày, giờ, phút…) và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Thứ ba, về huy động nguồn lực, để huy động và giải phóng nguồn lực, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận cơ hội kinh doanh. Thúc đẩy hợp tác công tư theo các mô hình phù hợp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản và giải quyết tranh chấp kinh tế bằng biện pháp kinh tế. Đồng thời, phát triển kinh doanh bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, phải tin tưởng vào kinh tế tư nhân, phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế, mang lại hiệu quả cho xã hội, làm giàu cho chính mình, gia đình và làm giàu cho đất nước.

Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy quản trị thông minh; phát triển hạ tầng để giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, năng năng suất lao động. Huy động, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân trong tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Về tổ chức thực hiện và giám sát, Thủ tướng lưu ý, cùng với việc xây dựng dự thảo Đề án, Nghị quyết để trình Bộ Chính trị, cần xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để ban hành, tổ chức thực hiện ngay sau khi Đề án, Nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua; đồng thời khẩn trương xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng cần bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu; bảo đảm quyền tự do kinh doanh rộng nhất, nhiều nhất có thể dưới nhiều hình thức, phương pháp khác nhau; quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên, tài sản của đất nước; chuyển trạng thái từ thụ động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kinh tế tư nhân sang trạng thái chủ động, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đi đúng hướng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ, cần "mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân"; có cơ chế giao kinh tế tư nhân tham gia phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tác giả: Hải Anh

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Hình ảnh
Dauthau

Thăm dò ý kiến

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Văn bản pháp luật

4/2020/TT-BYT

Thông tư số 14/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập

Thời gian đăng: 26/04/2024

lượt xem: 119 | lượt tải:26

Thống kê

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay4,447
  • Tháng hiện tại18,151
  • Tổng lượt truy cập2,190,799
ĐẶC SAN GIẤY
Số 1: Kỷ Nguyên Mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi