Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" đã xác định: “Cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” bởi đây khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm 31/12/2024, cả nước có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó gần 98% trong số này có quy mô nhỏ và vừa với 5,5 triệu lao động so với 9,8 triệu lao động của doanh nghiệp lớn.
Mặc dù có vai trò quan trọng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có tổng nguồn vốn 16,6 triệu tỷ đồng, chiếm chưa đến 30% tổng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 chỉ đạt gần 17,6%.
Bởi vậy, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký và ban hành sẽ là một bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy tăng trưởng cho khối doanh nghiệp này.
Những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ được hưởng qua Chỉ thị số 10/CT-TTg
Thông qua những nhiệm vụ và giải pháp Thủ tướng đề ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm tới sẽ có thể được hưởng lợi như sau:
Về thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Về cải cách hành chính, Chính phủ sẽ giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Ngoài ra, sẽ có Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các quy hoạch, phát triển hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, chip để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đặt mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công, ưu tiên các dự án kết nối vùng và hạ tầng chiến lược nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Về tiếp cận tài chính, tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ tiếp cận vốn nhờ Chính phủ giao Bộ Tài chính đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV và đơn giản hóa thủ tục ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu giữ ổn định lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, chuyển đổi số và kinh tế xanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong lĩnh vực tín dụng.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và quản trị doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng mới…) để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các bộ, ngành, địa phương có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự"; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"...
Như vậy, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hành trình phát triển bền vững. Các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.
Tác giả: Hải Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn