Các doanh nghiệp tại TP. HCM có xu hướng chuyển việc đăng ký thủ tục ở các địa phương lân cận khi thành phố thực hiện thu phí hạ tầng phục vụ cho đầu tư các cảng biển. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn đến từ bài toán cơ sở hạ tầng.
Tại Tọa đàm ‘Kinh tế TP.HCM: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới’ diễn ra vào ngày 25/12 vừa qua, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết tình hình doanh thu bán lẻ tăng, tuy nhiên lĩnh vực bán buôn lại giảm. Nguyên nhân chủ yếu được lý giải ở đây là các doanh nghiệp bán buôn đang có xu hướng chuyển đăng ký thủ tục ở các địa phương lân cận khi thành phố triển khai thu phí hạ tầng để đầu tư cho các cảng biển.
Ông Phương cho biết chi phí logistic hiện nay tại TP.HCM cũng đang cao hơn nhiều so với các thành phố cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan) và Singapore.
Cũng tại tọa đàm, TS Hồ Hoàng Anh - đại diện nhóm Nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) cho biết, bên cạnh mặt tích cực từ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của thành phố sẽ giữ đà tăng trưởng của các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, TP. HCM còn phải đối mặt với những thách thức lớn từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cụ thể, đó là những thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; thách thức về cơ sở hạ tầng. Đó là những điều tất yếu để bước vào một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
Ngoài ra, nhóm Nghiên cứu đánh giá TP. HCM là một thành phố với lợi thế cạnh tranh rất tiềm năng về phát triển các ngành dịch vụ, trụ cột chính ở đó là thương nghiệp và logistic.
Đối với TP. HCM, tốc độ giải quyết những thách thức, khó khăn về cơ sở hạ tầng sẽ quyết định đến tốc độ tăng trưởng của thành phố này trong năm tới. TP. HCM cần tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao, góp phần tạo dựng vào một thành phố đáng sống.
Tác giả: Phạm Ngân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn