Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần thay đổi triệt để tư duy "không quản được thì cấm, không biết nhưng vẫn quản", quán triệt tư duy "ai quản lý tốt nhất thì giao".
Chiều 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý các vướng mắc trong hệ thống pháp luật, đã chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp tập trung vào việc xử lý những khó khăn, bất cập trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát các văn bản pháp luật chịu tác động từ việc sắp xếp tổ chức, bộ máy; đồng thời trao đổi và thảo luận về các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo. Theo báo cáo từ Bộ Tư pháp, quá trình rà soát cho thấy hơn 5.000 văn bản bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có hơn 2.800 văn bản liên quan đến thay đổi tên gọi cơ quan, đơn vị; gần 1.900 văn bản cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản khác có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.
Theo Bộ Nội vụ, các quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền hiện chủ yếu nằm trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cùng một số luật chuyên ngành. Qua rà soát, có hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hai dự án luật này.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và sát thực tiễn của các Phó Thủ tướng, thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu tham dự. Thủ tướng khẳng định hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau bốn phiên họp, nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật đã tạo cơ sở cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua 3 luật sửa đổi 13 luật khác nhằm tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính. Các nỗ lực này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn gỡ vướng trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, dữ liệu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giải phóng nguồn lực để phát triển đất nước.
Thủ tướng quán triệt cần thay đổi tư duy quản lý, từ bỏ cách tiếp cận "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản", yêu cầu thực hiện triệt để quan điểm "giao việc cho ai quản lý tốt nhất", đảm bảo "người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm", đồng thời khuyến khích sáng tạo và để doanh nghiệp, người dân làm tốt hơn thì Nhà nước không can thiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cần đi kèm với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi và kiểm soát quyền lực, không để Trung ương "ôm" việc của địa phương. Các nhiệm vụ cần được phân công rõ ràng về trách nhiệm, thời gian và kết quả.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, không để gián đoạn hoạt động. Bộ Tư pháp được giao xây dựng Nghị quyết xử lý các vướng mắc từ việc sắp xếp tổ chức và đề xuất nguyên tắc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Bộ Nội vụ được giao xây dựng Nghị quyết thành lập một số bộ trong Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi có chủ trương của Đảng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và giao Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ Tài chính cần hoàn tất Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Chính phủ vào tháng 1/2025 để Quốc hội xem xét thông qua theo thủ tục rút gọn.
Thủ tướng lưu ý các dự thảo cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan để khuyến khích đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, yêu cầu rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư, đấu thầu, hợp tác công tư, hạ tầng chiến lược... để khơi thông nguồn lực, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai con số trong những năm tới.
Thời hạn 31/12/2024 được đặt ra để ban hành Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư và quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các vấn đề như room tín dụng của ngân hàng cho vay phát triển nhà ở xã hội cũng cần được xử lý kịp thời.
Thủ tướng cho biết, năm 2025 sẽ là giai đoạn quan trọng với khối lượng công việc xây dựng luật, pháp lệnh lớn, bao gồm 49 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo, hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu, đồng thời giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tác giả: Nga Nguyễn Tố
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn