Hơn 1.000 nhà khoa học cảnh báo thế giới đang bên bờ vực của thảm họa khí hậu, với sự nóng lên toàn cầu ở mức nguy hiểm và không thể đảo ngược. Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố ngày 20/3/2023 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, với những tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và xã hội. Những hiện tượng bất thường đang lần lượt diễn ra như sự tăng nhiệt độ, các dạng thời tiết cực đoan (hạn hán, nắng nóng kỷ lục, siêu bão…), mực nước biển dâng và suy giảm đa dạng sinh học. Hành tinh Xanh đang lên “cơn sốt” với những hồi chuông cảnh báo tới nhân loại.
Trong bối cảnh đó, hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu như COP 26, COP 27 lần lượt diễn ra tại Glasgow (Scotland) và Sharm El Sheikh (Ai Cập) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cam kết toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính. Tại COP 26 những thỏa thuận lịch sử đã được thực hiện, bao gồm: 197 quốc gia thành viên trong hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”; 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030; 450 tổ chức tài chính cam kết trong đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch và năng lượng tái tạo…
Đối với COP 27, cộng đồng quốc tế tiếp tục đưa ra một loạt các quyết định tái khẳng định cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp; các biện pháp giảm phát khí nhà kính; thúc đẩy năng lượng tái tạo và nỗ lực giảm điện than. Bước tiến mới tại COP 27 được cho là sự nhất trí của các quốc gia về việc thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển trước các tác nhân của biến đổi khí hậu gây ra.
Thách thức cho quốc gia
Trên hành trình chuyển đổi xanh, bền vững và hướng tới Net Zero 2050 của quốc gia, Việt Nam cần phải giải bài toán khó đến từ những thách thức đang hiện hữu. Đầu tiên, sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá, vẫn đang chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Hơn 60% sản lượng điện của Việt Nam đến từ nguồn than, dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính cao và làm gia tăng áp lực lên môi trường.
Thứ hai, vấn đề tài chính là một rào cản lớn. Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, nhưng nguồn vốn đầu tư quốc tế cho phát triển bền vững ngày càng trở nên khan hiếm và các quy trình tiếp cận vốn thường phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ .
Thứ ba, sự thiếu hụt về công nghệ và hạ tầng cho năng lượng tái tạo vẫn còn là một vấn đề cần phải giải quyết sớm. Nhiều dự án năng lượng gió và mặt trời chưa được triển khai hoặc không đạt hiệu quả tối ưu do công nghệ còn hạn chế và thiếu hỗ trợ từ hạ tầng điện lưới. Điều này cản trở khả năng mở rộng các nguồn năng lượng sạch và giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Song song với phát triển về cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động trong lĩnh vực phát triển xanh cũng cần được nâng cao về trình độ chuyên môn và kỹ năng. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực đủ khả năng thực hiện các dự án chuyển đổi xanh khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các giải pháp bền vững.
Vấn đề tiếp theo chính là khung pháp lý và chính sách hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Các quy định về phát thải khí nhà kính và khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo cần được điều chỉnh và cải tiến để tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các sáng kiến phát triển bền vững.
Tất cả những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược và hành động cụ thể, đồng bộ từ cấp độ Chính phủ đến mỗi cá nhân và mỗi doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy một quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả và bền vững.
Giải pháp cho những thách thức
Trước hết, việc xây dựng các chính sách và lộ trình cụ thể sẽ đóng vai trò quyết định cho toàn bộ quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia. Trước khi cùng cộng đồng quốc tế đưa ra những cam kết lịch sử lại COP 26 (2021), Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 1055/QĐ-TTg (2020) về việc ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tính tới thời điểm hiện tại, nước ta đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như: Quyết định Số 896/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Thứ hai, Việt Nam cần quy hoạch tốt mạng lưới điện quốc gia khi điện năng chính là trụ cột chính của quá trình chuyển đổi xanh. Để đạt được mục tiêu Net Zero, chúng ta sẽ phải chuyển đổi sang phần lớn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch . Bởi việc điện hóa các ngành là một điều tất yếu trong kịch bản phát thải ròng bằng “0” của quốc gia.
Hơn nữa, chúng ta cần nắm bắt cơ hội và tận dụng tốt các nguồn vốn đến từ các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, cộng đồng quốc tế, hay các tổ chức về môi trường, chống biển đổi khí hậu. Có thể kể đến như Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hay Sáng kiến AZEC…
Cùng với những giải pháp về chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn… Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cũng cần được chú trọng do con người chính là nhân tố cốt lõi. Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm thu hút các chuyên gia nước ngoài sẽ góp phần mở rộng cơ hội cho việc học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật - khoa học, và hơn nữa là xây dựng các chương trình đào tạo chuyên môn.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng để định hình đất nước vào quá trình chuyển đổi xanh. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn các chương trình nhằm nâng cao hiểu biết của toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của Net Zero và vai trò của mỗi cá nhân, tập thể trong hành trình phát triển xanh - bền vững của toàn bộ quốc gia.
Tác giả: Phạm Ngân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn