Sáng ngày 2/1, tại Trụ sở Chính phủ, phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo Chính phủ về "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã diễn ra dưới sự chủ trì bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Chính phủ.
Với mục tiêu mục tiêu đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, phiên họp là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện phương án tổ chức, đảm bảo hiệu quả và hiệu lực hoạt động.
Hội nghị đưa ra báo cáo về tiến trình thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ kể trên.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, yêu cầu. Các thành viên đã đi đến thống nhất trong một số nội dung, báo cáo trình Ban Chỉ đạo Trung ương sau thời gian thảo luận nghiêm túc. Nhận thấy tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến xác đáng của thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện thêm một bước văn bản để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị.
Thành tựu đạt được trong thời gian ngắn
Tinh thần và trách nhiệm cao của các bộ, cơ quan đã được Thủ tướng biểu dương ngay tại hội nghị với các phương án chuẩn bị nhanh chóng phục vụ việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trong đó, 5 nội dung thành tựu nhất được các bộ, ngành cấp tốc triển khai và thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành, cơ quan.
Thứ hai, các bộ, cơ quan đã cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong để trình Chính phủ.
Thứ ba, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định liên quan đến chính sách, chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ tư, trình Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về quản lý tài sản công trong quá trình sắp xếp.
Thứ năm, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đã rà soát, tổng hợp các vướng mắc, các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy để đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Yêu cầu của Thủ tướng với các bộ, cơ quan
Bên cạnh biểu dương các bộ, cơ quan về thành tích đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu các bên cần chú ý lắng nghe thông tin đa chiều trong quá trình chuẩn bị và triển khai phương án sắp xếp, báo cáo có thẩm quyền. Ngoài ra, quyết định cuối cùng cần được đưa ra dựa trên sự đồng tình của đa số, dựa trên minh chứng từ thực tiễn là đúng, và dựa trên những gì đã chín, đã rõ. Ngược lại, những vấn đề chưa chín, chưa rõ, hay còn chưa nhận được sự thống nhất của các bên với nhiều quan điểm không đồng nhất thì đề xuất cấp có thẩm quyền để khẩn trương nghiên cứu bước tiếp theo và sẽ sớm báo cáo cụ thể hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý về chính sách thu hút nhân tài trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Ông nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát chính sách để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Những vấn đề đặc thù thì cần rà soát, tổng hợp trên cả nước, đánh giá tác động để xây dựng, đề xuất một số chính sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản trị, quản lý. Cụ thể, cần nghiên cứu áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến, linh hoạt, đồng thời tăng cường trách nhiệm của hội đồng thành viên. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Hai Bộ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình quan trọng trên cũng được Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ. Bộ Tư pháp được giao chủ trì, xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó cần rà soát và xử lý ngay những văn bản nếu không sửa đổi kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, cản trở sự phát triển. Bộ Nội vụ được giao tiếp thu ý kiến từ các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo và đề xuất các giải pháp cụ thể, đảm bảo toàn diện, khả thi để trình Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị xem xét.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ nhanh chóng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập để phù hợp với hoạt động của bộ máy sau khi được tinh gọn, sắp xếp lại. Đồng thời, cần trình Chính phủ ban hành các Nghị định xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để đảm bảo tính hiệu quả và sự đồng bộ trong tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị mới.
Phiên họp lần thứ bảy của Ban Chỉ đạo đã nâng cao tinh thần, sự quyết liệt, đồng bộ trong triển khai nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, với những giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước.
Tác giả: Hải Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn