Sáng ngày 11/12 đã diễn ra sự kiện thường niên “SIB Connect 2024” do lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại Sứ Quán Canada và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng chủ trì. Sự kiện là dịp kết nối, trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển cho hệ sinh thái SIB tại Việt Nam. Đây cũng là ngày hội để các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm và chia sẻ những câu chuyện kinh doanh tạo tác động tích cực.
“SIB Connect 2024” là sự kiện thường niên của hệ sinh thái Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB). Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội - Social Impact Business (SIB) là các doanh nghiệp mang mục tiêu kép: vừa kinh doanh, vừa tạo tác động tích cực với xã hội, xây dựng môi trường bền vững.
Sau đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp SIB, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô nhỏ và vừa đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức GAC, Đại sứ quán Canada, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng đầu tư thực hiện dự án ISEE - COVID nhằm giúp các SIB phục hồi sau đại dịch. Dự án này áp dụng hướng tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết các thách thức của SIB, không chỉ nhằm mục tiêu ngắn hạn là giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid 19, mà còn hướng đến đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ KHĐT, nhấn mạnh tầm quan trọng của SIB trong việc đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy số lượng SIB của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, nhưng họ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế Việt Nam không chỉ phát triển nhanh mà còn phát triển bền vững.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ thành tựu của ISEE - COVID là tạo được mạng lưới SIB phát triển ở Việt Nam, trong đó những SIB dày dặn kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các SIB còn non trẻ.
Hình ảnh quầy hàng doanh nghiệp SIB tại sự kiện SIB Connect 2024
Trong phần chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, bà Võ Thị Minh Nga, CEO Bh.Nong, đã kể về hành trình “bỏ phố về quê” để “mang hương rừng ra phố”, mang nông sản gạo lứt rẫy Quảng Nam ra thị trường trong nước và quốc tế. Ước mơ lớn nhất của bà là thay đổi được cuộc sống của những phụ nữ làng quê và tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Bà Bùi Thị Sương Lan, CEO Marie’s, chia sẻ hành trình khởi nghiệp với cây cỏ bàng nhằm phục hưng làng nghề đệm bàng Phò Trạch ở Huế và tạo sinh kế cho người dân.
Tiếp theo chương trình là phần chia sẻ về các phương pháp phát triển cho các doanh nghiệp SIB.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) đã chia sẻ bài học lớn nhất là phải có sự kết nối, hợp tác giữa các SIB và các doanh nghiệp tiên phong, tức là giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp lớn.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp (BSSC)
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ KHĐT, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức trung gian như Đại sứ quán Canada và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong việc tổ chức các dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp SIB. Bà chia sẻ rằng chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và huy động được hơn một nghìn tỷ đồng trong năm qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiện tại, chính phủ đang rà soát lại các chính sách dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm loại bỏ những chính sách không hiệu quả và tiếp tục phát huy các chính sách mang lại lợi ích thiết thực. Bà Thủy bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ các tổ chức trung gian trong thời gian tới.
Hợp tác là chìa khóa giúp doanh nghiệp đi được xa. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể đi một mình mà cần kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp tiên phong và các tổ chức trung gian hỗ trợ. Ông Hoàng Danh Hữu, CEO Miss Ede, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp SIB cần chứng minh yếu tố đạo đức kinh doanh và khả năng cung cấp giá trị thực tiễn để “chen chân” vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, các SIB cần tìm được những “người thầy lớn” để dẫn dắt, song cốt lõi vẫn nằm ở việc trở thành những doanh nghiệp có trách nhiệm và tạo ra giá trị bền vững.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển Bền vững Unilever Việt Nam, cũng chia sẻ, ngay cả những doanh nghiệp tiên phong như Unilever cũng gặp nhiều rào cản không thể tự mình giải quyết và phải tìm đến sự hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ (SME và SIB) để tìm ra những giải pháp bền vững
Từ góc độ sản xuất, ông Lê Đức Huy, đại diện Simexco DakLak, nhấn mạnh vai trò then chốt của người nông dân trong chuỗi cung ứng bền vững. Ông khẳng định, đầu tư vào người nông dân không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
Hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) cần xây dựng mối liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tiên phong và tổ chức trung gian để phát triển toàn diện. Sự hợp tác không chỉ giải quyết các thách thức hiện tại mà còn giúp mở ra những cơ hội lớn, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tác giả: Lê Nguyên Hạnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn