Đại hội Đảng

Kinh tế số Việt Nam - Hành trình vươn tầm và khát vọng phát triển

Thứ ba - 21/01/2025 01:03

Chuyển đổi số đã và đang định hình lại bản đồ phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Từ một khái niệm còn mới mẻ, chuyển đổi số đã trở thành chiến lược trọng tâm trong hành trình hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững. Hành trình này được khởi động từ năm 2020 với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. 

Qua từng năm, quá trình chuyển đổi số được triển khai một cách có hệ thống: năm 2021 với tổng diễn tập quy mô quốc gia, năm 2022 chứng kiến làn sóng số hóa mạnh mẽ khi các hoạt động của người dân được đưa lên môi trường số thông qua các nền tảng số và năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia. Năm 2024 đánh dấu những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực này, khi chính phủ và doanh nghiệp đều thể hiện quyết tâm cao để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những dấu ấn chuyển đổi số năm 2024

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam năm 2024 đã đạt vị trí 71/193 quốc gia, xếp thứ 5 trong khối ASEAN với thứ hạng tăng một bậc. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tham gia đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI mức rất cao - một thành tựu góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư.

Theo Báo cáo Chuyển đổi số quốc gia 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng với tốc độ 20%/năm, gấp ba lần tốc độ tăng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%, tăng 20% so với năm 2023. Với đà phát triển này, Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tính đến ngày 31/11/2024, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động đạt 54.500 đơn vị, tăng 14,89% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ Giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 31,8%, tăng 3,1% so với năm trước. Việt Nam cũng đã ghi danh vào nhóm 6 quốc gia làm chủ công nghệ 5G trên thế giới. Tỷ trọng kinh tế số hiện chiếm 8,23% GDP. Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử bán lẻ năm 2024 ước tính vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Ngày 15/10/2024, Viettel khai trương mạng 5G đầu tiên và lớn nhất Việt Nam

Phát triển kinh tế số: Từ tầm nhìn chiến lược đến hành động

Ảnh: Báo CAND

Bước vào kỷ nguyên số, Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất. GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã định nghĩa rõ nét về bước chuyển mình này trong bài viết "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới": “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.”

Tầm nhìn 2030 của Việt Nam là trở thành nước có thu nhập trung bình cao, cải thiện thứ hạng thu nhập đầu người từ vị trí 120 lên top 100 toàn cầu. Để hiện thực hóa tham vọng này, hạ tầng số được ưu tiên phát triển và được coi như như xương sống của nền kinh tế. Đáng chú ý, năm 2024 đánh dấu những bước tiến quan trọng: hoàn tất tắt sóng 2G trên đất liền, phổ cập 3G/4G và thúc đẩy thương mại hóa 5G để người dân sử dụng dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, tính năng nhiều hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nỗ lực đầu tư làm chủ những công nghệ then chốt của kỷ nguyên số như: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chip-set 5G…

Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi số vẫn còn những điểm nghẽn đáng quan ngại. Khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn vẫn tồn tại, hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ, điều này hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng như người dân tại khu vực nông thôn. Nhận thức rõ thách thức này, Chính phủ đã đưa phát triển hạ tầng số trở thành một trong ba trụ cột chính của chương trình Chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu bùng nổ dữ liệu mà còn đảm bảo an toàn, an ninh mạng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những thách thức lớn. Mặc dù có lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhưng số lượng nhân sự có kỹ năng chuyên sâu về công nghệ số, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây còn hạn chế. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam vẫn thiếu hụt hàng trăm ngàn nhân lực số cho nhu cầu chuyển đối số. Để có đủ, từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Hiện mỗi năm chỉ đào tạo được 65.000 người, chưa được 50% nhu cầu, điều này đòi hỏi cần có chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số một cách bài bản và dài hạn. Để giải bài toán này, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực số quốc gia thông qua Quyết định 146/QĐ-TTg, đặt nền móng cho chiến lược đào tạo dài hạn.

Minh chứng rõ nét cho nỗ lực này là hàng loạt chính sách và chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đã được ban hành. Chương trình SMEdx là một ví dụ điển hình, không chỉ hỗ trợ kỹ thuật mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ. Chương trình đã thu hút 1.305.765 lượt doanh nghiệp tham gia, với 407.712 doanh nghiệp SME đang tích cực sử dụng nền tảng, chiếm hơn 43% tổng số doanh nghiệp SME toàn quốc trong năm vừa qua.

Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024 đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy hiện đại hóa nền công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đề ra tầm nhìn đầy tham vọng đến năm 2030: phủ sóng 5G trên toàn lãnh thổ, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, đồng thời phát triển tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Nghị quyết này đang được Chính phủ khẩn trương triển khai, tiếp nối chuỗi chính sách đã đạt được những kết quả tích cực và được kỳ vọng sẽ là động lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế số của đất nước.

Tiếp tục hành trình hiện thực hóa khát vọng dân tộc

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng,…” - phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại sự kiện Ngày Chuyển đối số quốc gia năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại sự kiện Ngày Chuyển đối số quốc gia năm 2024

Nhìn chung, giai đoạn 2021-2024, chuyển đối số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm kinh tế số ở khu vực.

Năm 2025 sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của Việt Nam, khi đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng vươn mình trở thành một quốc gia phát triển. Chuyển đổi số không chỉ là đích đến, mà còn là công cụ chiến lược giúp Việt Nam hiện thực hóa ước mơ xây dựng một quốc gia hùng cường và thịnh vượng.

Hành trình này đòi hỏi sự chung tay của toàn dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội, đưa chuyển đổi số trở thành động lực đột phá, góp phần định hình vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số toàn cầu. Với nền tảng sẵn có, sự quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân, chuyển đổi số sẽ không chỉ là kỳ vọng, mà còn là động lực mạnh mẽ để Việt Nam vươn xa, tự tin bước lên tầm cao mới, chinh phục những thành tựu vượt bậc trên con đường phát triển.

Tác giả: Linh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Hình ảnh
Dauthau

Thăm dò ý kiến

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Văn bản pháp luật

4/2020/TT-BYT

Thông tư số 14/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập

Thời gian đăng: 26/04/2024

lượt xem: 119 | lượt tải:26

Thống kê

  • Đang truy cập45
  • Hôm nay4,155
  • Tháng hiện tại17,859
  • Tổng lượt truy cập2,190,507
ĐẶC SAN GIẤY
Số 1: Kỷ Nguyên Mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi