Đại hội Đảng

Từ Nghị Quyết đến Hành Động: Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tháo gỡ hàng loạt dự án tồn đọng

Chủ nhật - 05/01/2025 12:30
Chiều 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tổng kết tiến trình thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục đề xuất các phương án giải quyết với các công trình, dự án còn lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tổng kết tiến trình thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục đề xuất các phương án giải quyết với các công trình, dự án còn lại. 

Công điện số 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 

Theo Công điện số 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát được ban hành vào tháng 11/2024, thời gian qua, nhiều công trình, dự án đã được kịp thời khắc phục vướng mắc, hồi sinh và đưa vào vận hành hoạt động tốt như: dự án đường sắt Cát linh Hà Đông, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,... hay nhiều công trình được triển khai thần tốc, rút ngắn thời gian thi công như công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình, dự án còn tồn đọng như: Dự án chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức,…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn hai năm qua, Thành phố phải đối mặt với tình trạng hàng chục dự án bất động sản vướng mắc pháp lý kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Các dự án này được phân thành ba nhóm chính: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý, và nhà ở thương mại thuộc diện bị thanh tra, kiểm tra. 

Bất động sản trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực ven sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần

Tình trạng ách tắc kéo dài không chỉ làm suy giảm hiệu quả đầu tư mà còn dẫn đến sự lãng phí nguồn lực. Thành phố Hồ Chí Minh thống kê tổng có 66 dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý kéo dài; 12 công trình, dự án lớn tồn đọng; 200 dự án khác đang được TP HCM tập hợp thông tin để tiếp tục báo cáo Thủ tướng. 

Đáng chú ý trong danh mục các công trình lớn cần tháo gỡ của Thành phố Hồ Chí Minh là 12 dự án trọng điểm, trong đó 6 dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng, bao gồm Khu đô thị Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn), SaiGon Sports City, Saigon Center 4, Saigon Center 5, tuyến đường nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (TP. Thủ Đức), và dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 3 dự án và 3 tài sản công thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Bởi vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công với sự dẫn dắt của Ban Chỉ đạo Chính phủ (theo quyết định số 1568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tiến trình thực hiện yêu cầu của Thủ tướng

Hưởng ứng đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần không để người dân phàn nàn và việc lãng phí nguồn lực xã hội, thời gian qua UBND TPHCM đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công việc kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Thành phố đã chủ động tổng hợp các vấn đề liên quan trong báo cáo trình Ban Chỉ đạo để các bên xem xét, đề ra phương án giải quyết phù hợp (không bao gồm các dự án, công trình đang được các ban chỉ đạo, tổ công tác khác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo tháo gỡ).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lắng nghe báo cáo của UBND Thành phố về kết quả đạt được cho đến hiện tại trong việc rà soát, giải quyết các dự án, công trình tồn đọng. Trong danh mục đáng chú ý kể trên, thành phố đã giải quyết được 34/66 dự án bất động sản vướng mắc. Còn 32 dự án vẫn đang chờ các bước tháo gỡ tiếp theo. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ chí Minh cũng đang tập hợp thông tin về 200 dự án khác để trình báo cáo Thủ tướng. Các vướng mắc thường gặp bao gồm khó khăn trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, các vấn đề liên quan đến điều kiện sử dụng đất và phương án tài chính. Với các tài sản công, việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất do các bộ, ngành trung ương quản lý cũng là một thách thức lớn. 

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, tập trung rà soát và xử lý những dự án vướng mắc kéo dài theo chỉ đạo tại Công điện 112 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án bị đình trệ, kéo dài qua nhiều năm với các vướng mắc phức tạp và khó khăn chồng chất.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các cơ quan liên quan, đồng thời đánh giá cao Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã thể hiện sự chủ động, quyết đoán hơn trong việc xử lý các dự án. Ông nhấn mạnh rằng qua quá trình rà soát, đây cũng là cơ hội cho Chính phủ để tích lũy nhiều kinh nghiệm để xây dựng và ban hành các bộ luật, nghị định quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh "Khi chung sức, đồng lòng thì các công việc sẽ có đầu ra". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các thành viên Ban Chỉ đạo 1568 và lãnh đạo TPHCM cũng tổ chức thảo luận ngay trong cuộc họp về phạm vi, đối tượng, nội dung khó khăn, vướng mắc của các dự án; đề xuất phương án xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng dự án; nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu xử lý các vướng mắc tại các dự án.

Công việc thời gian tới 

Với 6 dự án lớn trong 12 công trình, dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì dự án đô thị Đại học Quốc tế (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) đã được xem xét, chỉ đạo hướng giải quyết. Còn 5 dự án còn lại (trong đó có dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng), các bộ, ngành, TPHCM và các địa phương đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ ban hành 1 nghị quyết để tháo gỡ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trình ban hành nghị quyết này trước ngày 15/1. 

Với 32 dự án bất động sản còn lại và các dự án vướng mắc, kéo dài khác có thể tiếp tục được rà soát, thống kê thời gian tới, TPHCM tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Còn các dự án chưa có quy định, chưa có tiền lệ thì tiếp tục báo cáo, đề xuất có thẩm quyền.

Với 200 dự án khác đang được thống kê, Thủ tướng yêu cầu TPHCM tiếp tục phân loại, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành, Nghị quyết 98 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Hơn nữa, Thủ tướng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục căn cứ Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; và Nghị quyết mới của Chính phủ, xử lý theo thẩm quyền để các dự án tiếp tục thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm"; không câu nệ, có thông tin tới đâu thì xử lý tới đó, việc đã chín, đã rõ thì quyết định, việc chưa rõ, chưa chín thì tiếp tục thu thập thông tin đầy đủ; giải quyết nhanh, hiệu quả, kịp thời nhưng đặc biệt lưu ý không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí.

Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần chủ động và thích ứng tích cực khi nhanh chóng triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung tháo gỡ những vướng mắc kéo dài, góp phần khôi phục tiến độ các dự án quan trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Quyết định của Thủ tướng không chỉ giúp giải phóng nguồn lực bị "đóng băng" mà còn mang ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào khả năng điều hành của Chính phủ và chính quyền thành phố. 

Tác giả: Hải Anh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Hình ảnh
Dauthau

Thăm dò ý kiến

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Văn bản pháp luật

4/2020/TT-BYT

Thông tư số 14/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập

Thời gian đăng: 26/04/2024

lượt xem: 119 | lượt tải:26

Thống kê

  • Đang truy cập48
  • Hôm nay4,146
  • Tháng hiện tại17,850
  • Tổng lượt truy cập2,190,498
ĐẶC SAN GIẤY
Số 1: Kỷ Nguyên Mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi