Đại hội Đảng

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Mục tiêu, thách thức, cơ hội và những kết quả bước đầu đạt được

Thứ bảy - 18/01/2025 21:36
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Mục tiêu, thách thức, cơ hội và những kết quả bước đầu đạt được

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. 

Việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm bớt sự cồng kềnh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, mà còn tiết kiệm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, một bộ máy hành chính hiện đại và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội từ môi trường quốc tế, đồng thời giải quyết hiệu quả các thách thức trong nước như tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. 

Mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Mục tiêu chính của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hướng tới là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Cụ thể, bao gồm việc nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt sự cồng kềnh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm. 

Điển hình của việc giảm bớt sự cồng kềnh và tăng tính minh bạch trong các thủ tục là mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tại Hà Nội. Hà Nội hiện đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, giảm từ 673 bộ phận "một cửa" xuống còn 30 chi nhánh, không phụ thuộc địa giới hành chính trong giải quyết TTHC. Theo Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 15/7/2024, Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố, thực hiện từ tháng 9/2024 đến 30/11/2025. Đây là bước tiến cải cách hành chính, góp phần xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Minh Hải, mô hình này thể hiện "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh," góp phần xây dựng chính quyền số, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp [1]. Ảnh: Báo Kinh tế Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc tiết kiệm chi phí giúp giảm giảm chi phí hành chính và tối ưu hóa nguồn lực. Ngoài ra, cải thiện chất lượng dịch vụ công nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân cũng là một ưu tiên. Tất cả là kết quả của mong muốn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước. 

Cơ hội từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Mặc dù gặp phải nhiều thách thức, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cũng mang lại không ít cơ hội cho hành trình phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình. Một trong những cơ hội lớn nhất là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện quy trình làm việc, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo Bộ Nội vụ, vừa qua, Bộ Nội vụ đã xây dựng cơ sở dữ liệu công chức, tích hợp hệ thống quản lý tập trung, cập nhật thời gian thực [2]. Ngoài ra, chuyển đổi số (CĐS) còn mang lại cách làm mới hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc đánh giá cán bộ, hay việc sử dụng công nghệ như AI và các công cụ trực tuyến có thể tăng tính khách quan, minh bạch, và dựa trên số liệu để đánh giá hiệu suất làm việc, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Những giải pháp này không chỉ hiệu quả mà còn dễ dàng áp dụng nhờ các phần mềm sẵn có trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Phạm Thắng. 

Hơn thế nữa, Việt Nam có cơ hội học hỏi từ các mô hình quản lý công tiên tiến của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore. Ví dụ như Singapore nổi bật với nền công vụ dựa trên “chế độ công trạng,” tuyển chọn nhân sự ưu tú và trả lương cạnh tranh, cùng sáng kiến "Dịch vụ công cho thế kỷ 21" không ngừng cải tiến. Hay Nhật Bản, thông qua cải cách hành chính, đã tái cơ cấu bộ máy, phân quyền và áp dụng quản trị công mới, tạo nền tảng minh bạch và hiệu quả [3]. Những kinh nghiệm này giúp Việt Nam tăng cường năng lực quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công. 

Bên cạnh đó là cơ hội nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Một bộ máy tinh gọn với hệ thống chính trị minh bạch sẽ thay đổi cái nhìn tích cực hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tin tưởng từ các đối tác nước ngoài. Việc tăng cường hợp tác quốc tế cũng giúp Việt Nam nhận hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam tiếp cận với các phương pháp quản lý hiện đại và nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Thách thức trong quá trình tinh gọn bộ máy

Cho tới hiện tại, quá trình tinh gọn bộ máy gặp phải nhiều thách thức lớn. Đầu tiên phải kể đến sự kháng cự từ bên trong, đặc biệt là phản đối từ những người có lợi ích liên quan. Nhân sự bị cắt giảm có thể sẽ đối mặt với một số vấn đề tâm lý, ổn định công việc và có thể không còn đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước nếu không có chính sách giải quyết thỏa đáng. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ năm 2022, từ năm 2015 đến 2021, Việt Nam đã tinh giản 79.000 biên chế (10,1%), nhưng chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức bị tinh giản còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp và chế độ bồi thường chưa được triển khai đồng bộ, gây khó khăn cho công chức trong ổn định cuộc sống và tìm việc làm mới [4]. 

Thứ hai, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh làm phức tạp hơn việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, hơn thế nữa phải phân định rõ ràng về cả chức năng và nhiệm vụ. Điều này cũng đòi hỏi cần thực hiện một cách khoa học, bài bản và hợp lý. Thứ ba, nguồn lực và kỹ năng cần thiết để thực hiện các cải cách còn hạn chế. Việc thiếu một lộ trình cụ thể, các tiêu chí thống nhất và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đã khiến cho quá trình thực hiện trở nên rời rạc và kém hiệu quả. 

Sự thống nhất giữa các bộ, ban, ngành trong việc thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy là vô cùng quan trọng bởi có đoàn kết thì mới có thể xúc tiến quá trình thách thức này nhanh gọn và hiệu quả hơn. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ rằng việc tinh giản bộ máy “là vấn đề đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước” [5]. 

Cuối cùng, thay đổi văn hóa tổ chức, bao gồm cách thức làm việc và tư duy của cán bộ, công chức, cũng là một thách thức lớn bởi cần sự quyết tâm cao và nỗ lực vượt qua lợi ích cục bộ cũng như lợi ích nhóm của các thành viên. 

Những kết quả bước đầu đạt được

Những kết quả bước đầu từ cuộc cách mạng này đã cho thấy sự tiến triển tích cực với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bộ. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ đã được rà soát và cải tổ. Việc giảm bớt số lượng nhân viên hành chính và cắt giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong các cơ quan nhà nước đã tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cho biết đến giờ này, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức [6]. 

Chất lượng dịch vụ công cũng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Các thủ tục hành chính được rút ngắn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tác động của tinh gọn bộ máy với doanh nghiệp Việt Nam

Tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên, việc tinh giản bộ máy đồng nghĩa với tinh giản các thủ tục hành chính. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí khi một quy trình xin cấp phép hoặc hoàn tất thủ tục đầu tư cần được thực thi giờ đây được rút ngắn.  

Trong Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo vào tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc cắt giảm thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. 

Bên cạnh đó, tinh giản bộ máy cũng góp phần tạo nên một môi trường làm việc minh bạch bởi không còn chồng chéo chức năng và nhiệm vụ, các vị trí không cần thiết cũng được loại bỏ, ngoài ra là việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm công khai hóa quy trình làm việc. Khi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính tăng lên, doanh nghiệp có thể yên tâm khi làm việc với cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc giảm bớt chi phí hành chính cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung nguồn lực cần thiết và thúc đẩy đổi mới, phát triển.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII Lê Văn Cuông chia sẻ rằng trong bộ máy nhà nước còn nhiều vị trí yếu kém, không đủ năng lực hay phẩm chất đạo đức khiến cho doanh nghiệp phải có chi phí thì mới có thể hoàn thành thủ tục [7]. 

So sánh quy mô, hiệu quả của khu vực công Việt Nam với các nước khác

So sánh quy mô và hiệu quả của khu vực công ở Việt Nam với các nước khác cho thấy một số điểm đáng chú ý. Theo báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2022, tổng số lao động khu vực công của Việt Nam là 4,23 triệu người, chiếm 7,9% tổng số lao động của cả nước [8]. Con số này tương đương với Trung Quốc nhưng thấp hơn so với nhiều nước phát triển khác. 

Ảnh: Tạp chí Công thương.

Về hiệu quả hoạt động, các quốc gia như Nhật Bản, Singapore thường được xem là những ví dụ điển hình khi áp dụng các mô hình quản lý công tiên tiến, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Kết luận

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Những kết quả bước đầu đạt được cho thấy tiềm năng của cuộc cách mạng này và khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục cải cách. Để đạt được mục tiêu, cần có sự quyết tâm và kiên trì từ các nhà lãnh đạo, cũng như sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Tinh gọn bộ máy không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà theo Thủ tướng Chính phủ, đây là cơ hội tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin, tạo hy vọng, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1]  Tạp chí Tổ chức Nhà nước, “Hà Nội: Địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án Trung tâm phục vụ hành chính công”, 18/9/2024, https://tcnn.vn/news/detail/66704/Ha-Noi-Dia-phuong-dau-tien-hoan-thanh-De-an-Trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong.html
[2]  Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, “Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì ngoài đổi mới mô hình tổ chức, con người, còn phải có công nghệ”, Bộ Thông tin và Truyền thông, 26/12/2024, https://mic.gov.vn/xay-dung-bo-may-nha-nuoc-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-thi-ngoai-doi-moi-mo-hinh-to-chuc-con-nguoi-con-phai-co-cong-nghe-197241226141208773.htm 
[3] PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Cải cách hành chính theo mô hình quản trị công mới ở một số quốc gia châu Á”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 4/6/2022, https://tcnn.vn/news/detail/54607/Cai-cach-hanh-chinh-theo-mo-hinh-quan-tri-cong-moi-o-mot-so-quoc-gia-chau-A.html 
[4] Trần Mai Hương, “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: mục tiêu, thách thức và cơ hội”, Báo Nhân dân, 23/12/2024, https://nhandan.vn/cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-muc-tieu-thach-thuc-va-co-hoi-post851998.html
[5] Trường Phong, “Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy cần sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên”, Báo Tiền Phong, 11/11/2024, https://tienphong.vn/tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-bo-may-can-su-doan-ket-thong-nhat-dung-cam-hy-sinh-cua-tung-can-bo-dang-vien-post1690642.tpo
[6] Báo điện tử Chính phủ, “Sắp xếp tổ chức bộ máy: Các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%”, 9/1/2025, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sap-xep-bo-may-cac-co-quan-cua-chinh-phu-giam-khoang-30-dau-moi-ben-trong-co-noi-giam-toi-50-119250108160141868.htm 
[7]  Hoàng Hưng - Kiều Phiên, “Tinh gọn bộ máy: Lợi ích đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và cộng đồng”, Diễn đàn doanh nghiệp, 9/12/2024, https://diendandoanhnghiep.vn/tinh-gon-bo-may-loi-ich-doi-voi-nen-kinh-te-doanh-nghiep-va-cong-dong-10146935.html 
[8]  Tổng cục thống kê, Báo cáo Điều tra lao động và việc làm 2022”, (Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê, 2022). 

Tác giả: Hải Anh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Hình ảnh
Dauthau

Thăm dò ý kiến

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Văn bản pháp luật

4/2020/TT-BYT

Thông tư số 14/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập

Thời gian đăng: 26/04/2024

lượt xem: 119 | lượt tải:26

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay4,163
  • Tháng hiện tại17,867
  • Tổng lượt truy cập2,190,515
ĐẶC SAN GIẤY
Số 1: Kỷ Nguyên Mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi