Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào ngày 24/2, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Quốc hội và Chính phủ sớm thể chế hóa và cụ thể hóa việc quản lý lĩnh vực này, đồng thời nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho hoạt động tiền kỹ thuật số.
Tổng Bí thư cho rằng, việc quản lý đồng tiền kỹ thuật số như một loại tài sản ảo sẽ giúp tránh các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Chiến lược, chính sách T.Ư. ẢNH: TTXVN
Việc thiếu khung pháp lý cho tài sản số đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn đăng ký hoạt động ở nước ngoài như Singapore và Mỹ, sau đó mới về hoạt động tại Việt Nam, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định về tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, yêu cầu hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2025.
Theo số liệu từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số, với khoảng 21% dân số sở hữu, chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Ông đặt mục tiêu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức. Ngoài ra, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, phấn đấu đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN trong vòng 2-3 năm tới.
Đối với chính sách đất đai và thị trường bất động sản, Tổng Bí thư yêu cầu khơi thông và thúc đẩy các giao dịch, thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường. Ông đề xuất xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất, nghiên cứu thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách tài chính mở cho các mô hình trung tâm tài chính quốc tế, tranh thủ hiệu quả đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, nghiên cứu hình thành mô hình "cảng miễn thuế" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, và phát triển "cổng một cửa đầu tư quốc gia" nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất. Ông kêu gọi cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, và quan tâm hoàn thiện chính sách ứng phó với già hóa dân số.
Về phía cầu, Tổng Bí thư đề nghị tập trung đẩy mạnh đầu tư của Chính phủ cho hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và nền tảng quốc gia, cả về số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Ông cũng khuyến khích thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, chi phí thấp và dễ tiếp cận vốn tín dụng. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa và gia tăng xuất khẩu ròng cũng được xem là những yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng GDP bền vững.
Những định hướng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc quản lý và phát triển lĩnh vực tài sản số, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới.
Tác giả: Nga Nguyễn Tố