Sáng ngày 4/12/2024, tại khách sạn du Parc Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng và đại diện doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Đây là một trong những hoạt động thường niên quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để Việt Nam hướng tới một nền kinh tế hiện đại và bền vững. Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp Việt giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng, đồng thời mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn về thương mại xanh ngày càng khắt khe. Nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về phát thải khí nhà kính và chuỗi cung ứng bền vững. Điều này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ và phát triển thương hiệu xanh, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã trình bày về cơ chế khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh rằng tài chính xanh là một trong những yếu tố cốt lõi để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại cần phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ dễ dàng tiếp cận vốn để đầu tư vào công nghệ xanh. Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế từ UNIDO, SIPPO và Clarivate cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, quản trị chuỗi cung ứng bền vững và các giải pháp logistics giảm phát thải. Đặc biệt, công nghệ AI và blockchain được giới thiệu là các công cụ hiệu quả giúp giám sát và duy trì thương hiệu xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong phần thảo luận, ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách, nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ sống còn để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ông nhận định: “Chuyển đổi xanh là chìa khóa để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU hay Mỹ. Nhưng để đạt được điều đó, cần có sự đồng hành chặt chẽ từ chính sách hỗ trợ, tài chính xanh và hợp tác quốc tế.”
Không dừng lại ở những phát biểu mang tính khuyến nghị, ông Hoàng còn giới thiệu về một nỗ lực thiết thực mà Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách đang thực hiện. Theo ông, Viện hiện phối hợp với đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai khóa đào tạo chuyên sâu về giảm phát thải khí nhà kính. Điểm đặc biệt của khóa học là không chỉ cung cấp kiến thức thực tiễn về các giải pháp giảm phát thải mà còn cấp chứng chỉ, không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về phát triển bền vững mà còn giúp người học có thể thẩm định độc lập các dự án giảm phát thải. Ông Hoàng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trang bị cho mình những công cụ cần thiết, không chỉ để giảm phát thải mà còn để khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế. Chúng tôi không những mong muốn tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn muốn đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh.”
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc bảo vệ thương hiệu xanh. Ông nhấn mạnh rằng tên doanh nghiệp giống như tên khai sinh, nhưng nhãn hiệu chính là căn cước công dân. Bảo vệ nhãn hiệu là bảo vệ danh tiếng và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Ông Minh cho biết, công ty mình từng gặp nhiều thách thức khi sản phẩm bị đạo nhái. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ xanh và phát triển thương hiệu bền vững, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Một điểm nhấn của diễn đàn năm nay là các phiên tư vấn chuyên sâu, nơi các chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp giải đáp thắc mắc về chính sách hỗ trợ sản xuất xanh, tiêu chuẩn quốc tế và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cũng được giới thiệu các mô hình kinh tế tuần hoàn và các giải pháp logistics xanh, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, diễn đàn còn tập trung vào tài chính xanh, với sự chia sẻ từ các ngân hàng lớn như VietinBank. Bà Phạm Thị Hải Hà, Trưởng phòng Phát triển Giải pháp Khách hàng Doanh nghiệp, khẳng định rằng tài chính xanh là chìa khóa để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững. VietinBank cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong hành trình chuyển đổi xanh.
Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Xanh 2024 khép lại với thông điệp mạnh mẽ rằng phát triển xanh là chìa khóa để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Sự kiện không chỉ mang đến các giải pháp thực tiễn mà còn tạo cơ hội kết nối, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Trong thế giới hội nhập và công nghệ hiện nay, bảo vệ thương hiệu xanh chính là bảo vệ tương lai doanh nghiệp. Đây là con đường tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.