Trong nhiều yếu tố để tạo nên thành công của doanh nghiệp, tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng.
Quang cảnh tọa đàm “Doanh nghiệp thích ứng trong môi trường đa văn hóa”.
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm chủ đề “Doanh nghiệp thích ứng trong môi trường đa văn hóa”. Tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Theo Ban tổ chức, tọa đàm được thực hiện nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình thích ứng với môi trường đa văn hóa, hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững. Đồng thời, giúp các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp nhận diện thực chất hơn về hiện trạng của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay nhằm thích ứng với môi trường đa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị thiết thực để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp đạt hiệu quả đề ra.
Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Hà, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật nhấn mạnh: Với sự phát triển như vũ bão của thành tựu của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu trí tuệ nhân tạo… và sự mở rộng không ngừng của các công ty đa quốc gia, đã gia tăng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nắm bắt thời cơ, thích ứng với bối cảnh và yêu cầu mới.
Theo ông Hoàng Hà, trong nhiều yếu tố để tạo nên thành công của doanh nghiệp, tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng. Một doanh nghiệp lớn mạnh, đó là sự tập hợp đội ngũ nhân viên đến từ nhiều vùng, miền, hay các quốc gia khác nhau, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc. Sự đa dạng văn hóa không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán, mà còn bao gồm cả ở các giá trị sáng tạo, thái độ, lối sống và cách ứng xử với đồng nghiệp, tập thể hay cộng đồng. Làm sao để dung hòa các yếu tố văn hóa đó, tôn trọng những bản sắc, thậm chí là khác biệt đó, để khơi dậy sự thấu hiểu, chia sẻ, đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên với công việc, chung sức xây dựng thương hiệu, phát triển doanh nghiệp bền vững, là câu hỏi không dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Ông Hoàng Hà, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu.
“Rõ ràng, khi mà giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với môi trường đa văn hóa không chỉ là một thách thức, mà còn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào biết khai thác, phát huy sự đa dạng văn hóa trong sự thống nhất chung với mục tiêu, chiến lược của công ty, vì sự phát triển cộng đồng, xã hội, sẽ thích ứng với bối cảnh mới và phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, nhận diện thực trạng cũng như những khó khăn, thách thức trên các phương diện cả về nhận thức, xây dựng chiến lược, định hình phương thức quản lý, hoàn thiện chính sách… từ đó đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả là điều rất cần thiết”, ông Hoàng Hà khẳng định.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó hiệu trưởng Trưởng Đại học Thương mại, môi trường đa văn hóa mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội, đó là sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ tri thức, kỹ năng… từ đó, giúp các doanh nghiệp tìm được những giải pháp để đa dạng hóa phương thức kinh doanh, đa dạng hóa thị trường và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Thư, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng văn hóa có thể là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của quản trị doanh nghiệp, từ phong cách lãnh đạo, cấu trúc tổ chức, chiến lược nhân sự, cho đến thái độ đối với rủi ro và đổi mới. Những doanh nghiệp hiểu rõ và quản lý tốt các khác biệt văn hóa có thể khai thác tối đa lợi thế của sự đa dạng để tạo ra sự đổi mới và cải tiến liên tục. Tuy nhiên, nếu không được quản lý đúng cách, các khác biệt văn hóa có thể dẫn đến xung đột, giảm hiệu suất và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty…
Các ý kiến tại tọa đàm đã tập trung đánh giá thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp trong sự thích ứng với môi trường đa văn hóa; Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa trong thời gian qua; Đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự thích ứng với môi trường đa văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay…
Đại diện Ban tổ chức cho biết, các ý kiến tại tọa đàm đã khẳng định, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong xã hội góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cũng như hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam năng động, sáng tạo, phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển đất nước.