Ngày 28/11/2024, tại tòa nhà văn phòng VCCI, hội thảo quốc tế với chủ đề “Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hóa giá trị và bảo vệ quyền lợi” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia pháp lý, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) và Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Trong bối cảnh nhãn hiệu ngày càng được xem là tài sản chiến lược của doanh nghiệp, hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0. Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp thiết thực, nhằm giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng bảo vệ và phát triển thương hiệu, ứng phó với những thách thức trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhấn mạnh: “Nhãn hiệu là một tài sản quý giá trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm, là yếu tố quan trọng kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đồng thời còn là cơ sở để hình thành và nâng cao uy tín doanh nghiệp.” Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI, cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp Việt đang ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu. Số lượng thương hiệu Việt đã tăng từ 30 (năm 2008) lên gấp hơn 6 lần là 190 vào năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình.”
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và công nghệ AI, nguy cơ sao chép và vi phạm nhãn hiệu đang ngày càng phức tạp. Ông Chia Eu Jin, Walter, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của INTA, nhấn mạnh: “Logo, slogan hay bất kỳ yếu tố nào trong thương hiệu đều cần được bảo vệ. Đừng để công sức và uy tín của doanh nghiệp bị đánh cắp.” Các chuyên gia cũng chia sẻ rằng, nhãn hiệu không chỉ là dấu hiệu nhận diện mà còn là cầu nối cảm xúc với người tiêu dùng, mang lại giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Bà Zaheera Binte Hashim, Giám đốc Procter & Gamble, khẳng định: “Nhãn hiệu không chỉ là một biểu tượng kinh doanh mà còn là cầu nối cảm xúc với người tiêu dùng, khiến họ quay lại với những sản phẩm họ tin tưởng.”
Đồng tình với quan điểm này, ông Cheah James, Giám đốc thương hiệu TikTok, chia sẻ: “Nhãn hiệu hiện nay không chỉ là tên gọi hay logo mà còn là câu chuyện thương hiệu. Doanh nghiệp cần bảo vệ tài sản nhãn hiệu của mình để tạo dựng niềm tin và kết nối với khách hàng.”
Nhãn hiệu được ví như “căn cước công dân” của doanh nghiệp. Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, đã chia sẻ câu chuyện thực tế về việc công ty mình từng gặp phải tình trạng sản phẩm bị đạo nhái. Ông cho biết: “Tổn thất lớn nhất của doanh nghiệp là danh tiếng. Các sản phẩm giả tràn lan trên thị trường sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí kiện tụng lại rất lớn, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.” Ông Minh nhấn mạnh rằng việc bảo vệ nhãn hiệu là rất quan trọng, bởi nhãn hiệu chính là yếu tố phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD), cũng chia sẻ trong phiên thảo luận: “Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ ràng rằng, bảo vệ nhãn hiệu chính là bảo vệ tài sản vô hình, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chúng ta cần thay đổi nhận thức, không chỉ bảo vệ quyền lợi trong phạm vi quốc gia mà còn phải nhìn ra thị trường quốc tế.” Ông cũng lưu ý, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu từ sớm, để tránh những rủi ro tiềm tàng có thể xảy đến khi thương hiệu phát triển.
Tại hội thảo, ông Chia Eu Jin, Walter cũng đã chia sẻ về vai trò của INTA, một hiệp hội quốc tế giúp doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ông Chia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt: “Khi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, không ai quan tâm đến bạn; song, một khi bạn đạt được thành công, đó là lúc doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nhất.”
Ông Foo Sey Yuen, Giám đốc khu vực ASEAN, Clarivate, đã giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong việc giám sát và bảo vệ nhãn hiệu. Các công cụ như phần mềm Clarivate đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp duy trì và bảo vệ thương hiệu một cách hiệu quả.
Hội thảo đã nhấn mạnh rằng trong thế giới hội nhập và công nghệ hiện nay, bảo vệ thương hiệu chính là bảo vệ tương lai của doanh nghiệp. Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp doanh nghiệp nhận thức rõ giá trị của nhãn hiệu và có chiến lược bảo vệ ngay từ đầu. Đây là lời nhắc nhở quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đừng để công sức xây dựng thương hiệu của mình bị đánh cắp trong thời đại cạnh tranh khốc liệt.