Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phổ biến kiến thức khoa học công nghệ giai đoạn 2025-2030”, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác phổ biến kiến thức (PBKT) trong những năm qua, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi truyền thông kiến thức khoa học đến với cộng đồng.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh vai trò tiên phong của Liên hiệp Hội trong việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ (KH&CN) đến các tầng lớp nhân dân. Ông khẳng định rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, phổ biến kiến thức KH&CN không chỉ là nhiệm vụ mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
“Chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN, đặc biệt là ứng dụng khoa học vào đời sống, giúp người dân hiểu và áp dụng những tiến bộ công nghệ mới nhằm cải thiện cuộc sống và sản xuất”, PGS.TS Thao phát biểu. Ông cũng khuyến khích các hội viên và các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội phát huy sự sáng tạo trong việc truyền thông và phổ biến kiến thức thông qua đa dạng các kênh truyền thông, từ truyền thống đến số hóa.
Hội thảo đã có những tham luận quan trọng từ các đại biểu, trong đó các nhà khoa học và các đơn vị hiệp hội đã chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến kiến thức.
Theo GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, đã trình bày tham luận với chủ đề “Hoạt động phổ biến kiến thức của Hội Giống cây trồng Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Trong bài tham luận của mình, GS Trần Đình Long chia sẻ về những hoạt động phổ biến kiến thức mà Hội đã thực hiện từ năm 2021 đến 2024, chủ yếu thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, và tập huấn kỹ thuật cho nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực giống cây trồng.
Ông nêu rõ rằng, Hội đã đạt được nhiều kết quả trong việc xuất bản sách chuyên khảo và tổ chức hội thảo quốc tế về giống cây trồng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng việc thiếu hụt kinh phí và nguồn lực từ các dự án hợp tác quốc tế đã hạn chế phần nào khả năng mở rộng quy mô của các hoạt động này. GS Trần Đình Long đề xuất giải pháp đa dạng hóa hình thức phổ biến kiến thức, từ hội thảo, diễn đàn, đến xuất bản sách và tài liệu kỹ thuật, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phổ biến kiến thức.
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đã đóng góp tham luận với nội dung “Đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ông nhấn mạnh rằng, phổ biến kiến thức không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, mà còn phải trang bị cho người dân những kỹ năng thực tế để họ có thể chủ động tham gia vào việc bảo vệ môi trường.
Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Miều đã trình bày các mô hình bảo vệ môi trường mà Hội đã thực hiện trong những năm qua, như chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia” và các hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Ông cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến kiến thức, bao gồm việc tận dụng các kênh truyền thông hiện đại và tăng cường sự hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách, Trưởng ban Kiểm tra Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam, nhấn mạnh:
“Để phát huy vai trò của trí thức trẻ trong công tác phổ biến kiến thức khoa học, chúng ta cần xây dựng môi trường khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo, phát triển các kênh truyền thông khoa học hiệu quả, cũng như đào tạo kỹ năng truyền thông cho đội ngũ này. Đồng thời, việc kết nối chặt chẽ giữa các trí thức trẻ với doanh nghiệp và tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ là những yếu tố then chốt giúp khoa học công nghệ thực sự đi vào cuộc sống.”
Ông Đinh Văn Hoàng cũng đề xuất tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học trẻ với doanh nghiệp để ứng dụng những nghiên cứu vào thực tiễn, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội thảo đã tổng kết lại những thách thức và cơ hội trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Các đại biểu thống nhất rằng, để nâng cao hiệu quả truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội thành viên, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số trong phổ biến kiến thức sẽ là bước đột phá quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao chất lượng truyền thông.
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đã khẳng định rằng Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các hội thành viên trong việc tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức và mở rộng các kênh truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Ông kêu gọi các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện chiến lược phổ biến kiến thức KH&CN cho giai đoạn 2025-2030, nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Hội thảo đã tạo ra diễn đàn trao đổi hữu ích về những thách thức và cơ hội trong nền kinh tế số, với sự đóng góp từ nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp. Các giải pháp và sáng kiến từ lực lượng trẻ tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế bền vững.