Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô; từ đó tạo điều kiện để tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực, tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của Nhà nước và cạnh tranh phát triển.
Thực tế trong nhiều năm qua, một số Hội ngành toàn quốc đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện tham gia cung ứng, thực hiện một số dịch vụ công như: Hội Mã số Mã vạch Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam…
Trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội trí thức từ Trung ương đến địa phương thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam theo Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, việc các Hội tham gia dịch vụ công là một nội dung rất quan trọng. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP về hoạt động, tổ chức và quản lý Hội, tại Khoản 7 Điều 23 về quyền của Hội, đã quy định rõ nội dung Hội “tham gia cung ứng dịch vụ công”.
Để thúc đẩy triển khai dịch vụ công trong các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, trước mắt, Liên hiệp Hội và các hội thành viên cần tập trung vào các lĩnh vực tư vấn và hoạt động đào tạo, kiểm tra, đánh giá phục vụ việc cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có đủ năng lực thực hiện dịch vụ công được giao; củng cố tổ chức theo hướng chuyên nghiệp với đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ; tích cực xây dựng tổ chức theo hướng mở để thu hút thêm nhiều chuyên gia, cán bộ giỏi tham gia hoạt động này theo các hình thức chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc cộng tác viên; thu hút cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt tham gia vào hoạt động Hội.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách, Trưởng ban kiểm tra Hội trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam cho rằng: “Khi nói về vai trò của các hội nghề nghiệp trong cung ứng dịch vụ công, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng đây không chỉ là sự bổ sung cho ngân sách nhà nước mà còn là bước đột phá trong việc tận dụng nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực tổ chức, và tăng cường giám sát minh bạch.
Các hội nghề nghiệp cần được hỗ trợ để phát huy vai trò cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Tôi tin rằng, với một chiến lược đúng đắn và sự hợp tác hiệu quả, chúng ta sẽ tạo ra mô hình mẫu mực cho xã hội hóa dịch vụ công tại Việt Nam.”
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận một số vấn đề về triển khai dịch vụ công tại một số hội nghề nghiệp ở Hà Nội; đẩy nhanh quá trình xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp… Qua đó, các đại biểu đã đề xuất, Hội thành viên cần chủ động hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, chủ động đề xuất nhiệm vụ dịch vụ công; kịp thời phản ánh những vướng mắc, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các đề xuất giải quyết. Đồng thời, tăng cường, chủ động phối hợp, hợp tác với các tổ chức khác cùng hoạt động trong lĩnh vực để tạo thành mạng lưới hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ công.