Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo…
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đẫ nhận định rằng giải pháp khắc phục những khó khăn trong ngành giáo dụ là trao quyền quản lý biên chế giáo viên về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo ông, việc này sẽ giúp Bộ GD&ĐT dễ dàng cân đối, phân bổ nhân sự giáo viên, đặc biệt tại các vùng khó khăn và khu vực còn thiếu hụt giáo viên trầm trọng.
Hiện nay, vấn đề biên chế giáo viên được quản lý bởi các địa phương, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở một số vùng và thừa giáo viên ở vùng khác. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn lực và đảm bảo đội ngũ giáo viên đầy đủ. Hơn nữa, chính sách biên chế chưa đồng nhất giữa các vùng cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh ở các khu vực khác nhau.
“Giao cho ngành Nội vụ quản lý thì sẽ đóng khung trong từng huyện. Ngay cả trong một tỉnh thì huyện này thừa huyện kia thiếu giáo viên bộ môn, nhưng không điều động được”, ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, để khắc phục những hạn chế này, cần giao quyền quản lý biên chế giáo viên cho Bộ GD&ĐT. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong phân bổ nhân sự toàn ngành, tránh tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng và tạo ra sự đồng đều hơn về chất lượng giáo dục.
Khi Bộ GD&ĐT nắm quyền điều phối, Bộ sẽ có thể phân bổ biên chế giáo viên dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương, đảm bảo rằng mọi học sinh, dù ở vùng sâu vùng xa hay khu vực kinh tế phát triển, đều có cơ hội học tập trong điều kiện tối ưu. Với tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách để bổ sung nhân lực. Nếu Bộ GD&ĐT nắm quyền quản lý biên chế, các địa phương sẽ không còn phải chịu áp lực lớn về ngân sách cho giáo viên, giúp họ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực khác của giáo dục.
Việc phân bổ giáo viên hợp lý và khoa học từ Bộ GD&ĐT sẽ giúp các trường học được bổ sung đầy đủ giáo viên, giảm tải cho những giáo viên đang làm việc quá sức và cải thiện chất lượng giảng dạy. Điều này cũng tạo động lực cho các giáo viên, đặc biệt là những người làm việc ở vùng khó khăn, khi họ có điều kiện làm việc tốt hơn và nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ.
Ông Thành nhận định rằng, việc chuyển giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD&ĐT cần phải được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh gây xáo trộn hệ thống. Bộ cần xây dựng một cơ chế minh bạch, công bằng trong việc phân bổ và sử dụng biên chế, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng nguồn nhân lực giáo dục được sử dụng đúng nơi, đúng việc. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả và sự nhất quán trong triển khai.
Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng việc giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD&ĐT là một hướng đi chiến lược và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi ngành giáo dục đang đối diện với nhiều thách thức. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là bước tiến lớn giúp khắc phục “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực trong ngành, tạo điều kiện để học sinh ở mọi nơi đều được tiếp cận với chất lượng giáo dục công bằng và toàn diện.
Dự thảo Luật Nhà giáo thấm đậm rất sâu sắc Kết luận 91 của Bộ Chính trị
Ông Thái Văn Thành nhìn nhận, Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một cách bài bản, khoa học, rất công phu, lấy ý kiến của phần lớn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục. Có thể nói, Dự thảo Luật đã thấm đậm rất sâu sắc Kết luận 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới quản lý giáo dục.
Ông cho rằng, khi Luật này ra đời sẽ đáp ứng được việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước một cách sâu sắc và sớm đi vào thực tiễn giáo dục.
Ông cho biết thêm, những điểm mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Nhà giáo đều là những chính sách rất hay, thể hiện sự đổi mới của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề phát triển giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng.
Tuy nhiên, nên rà soát lại với một số Luật khác liên quan đến nhà giáo để tránh sự chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót quản lý nhà nước về nhà giáo.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để khi Luật đưa vào thực tiễn cuộc sống có thể bảo đảm điều kiện thực hiện các chính sách mà Luật đề ra.