Trong suốt nhiệm kỳ trước, ông Trump đã áp dụng một loạt biện pháp bảo hộ, tập trung vào việc bảo vệ thị trường lao động và ngành sản xuất trong nước của Mỹ, và không ngần ngại áp đặt thuế quan cao đối với các nước mà ông coi là có thặng dư thương mại quá mức với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Những chính sách này, nếu tái lập, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam.
Chính sách thương mại và khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Trong nhiệm kỳ trước, chính quyền Trump đã có những chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc. Những biện pháp trừng phạt và thuế quan này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc mà còn tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm các điểm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.
Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn cho sự dịch chuyển này, nhờ vào vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí lao động cạnh tranh, và các chính sách mở cửa đón nhận đầu tư. Nếu Trump tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, nhiều khả năng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, với các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm nơi sản xuất ổn định để tránh rủi ro từ những căng thẳng Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump vẫn giữ lập trường bảo hộ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn, nếu Mỹ áp thuế cao hoặc thiết lập các rào cản nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất ngoài nước, hàng hóa từ Việt Nam sẽ đối diện với thách thức trong cạnh tranh giá cả. Ông Trump từng thể hiện rõ quan điểm không khoan nhượng với các quốc gia mà ông cho rằng có hành vi “thao túng thương mại” để duy trì thặng dư xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam, với mức thặng dư thương mại ngày càng tăng với Mỹ, có thể trở thành mục tiêu tiếp theo nếu Trump thực hiện chính sách đánh thuế diện rộng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Theo thống kê từ VNEconomy, Việt Nam là nước Đông Nam Á có khả năng chịu thiệt hại nhiều nhất về thương mại nếu Trump tái đắc cử. Việc này có thể đẩy chi phí sản xuất lên cao, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2018-2020, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước ASEAN để tránh thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trump tăng thuế trên diện rộng với các sản phẩm từ Đông Nam Á, dòng đầu tư này có thể bị chững lại hoặc quay trở lại Mỹ, làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam.
Ngoài ra, một số công ty công nghệ lớn đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển sang các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, và Malaysia để giảm thiểu rủi ro từ các cuộc chiến thương mại.
Áp Lực Tỷ Giá và Rủi Ro Bị Liệt Kê Là “Thao Túng Tiền Tệ”
Trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam đã từng bị đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ vì Mỹ cho rằng Việt Nam giữ tỷ giá thấp nhằm tăng cường xuất khẩu. Mặc dù dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách này, nhưng dưới chính quyền Trump, nguy cơ bị đưa trở lại là rất lớn. Nếu chính quyền Mỹ buộc Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá, điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Theo nghiên cứu “Tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam” của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho thấy: việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này thường phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nơi có giá trị đồng USD mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và giá bán của sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, khi nghiên cứu về chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam, đánh giá tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2023 thì tỷ giá VND/USD tăng 1%, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giảm từ 3 đến 5% tùy vào ngành hàng. Điều này có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn không đủ sức chịu đựng tác động của biến động tỷ giá.
Thách Thức với Thị Trường Chứng Khoán và Tài Chính Việt Nam
Trong trường hợp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và Mỹ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam có thể gặp khó khăn. Các biện pháp bảo hộ gia tăng từ Mỹ sẽ khiến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi như Việt Nam suy giảm, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và tỷ giá. Các nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi những thị trường có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến thanh khoản và dòng tiền vào thị trường chứng khoán và trái phiếu Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ có mối tương quan không chặt chẽ trong xu hướng đi ngang song có mối tương quan chặt chẽ trong những giai đoạn tăng hoặc giảm mạnh…. Vậy nên nếu các chính sách của Trump dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu hoặc bất ổn tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực. Thêm vào đó, nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao do các biện pháp thuế quan mới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn, điều này sẽ làm giảm lượng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Ths Đinh Văn Hoàng
Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách